Màng bọc thực phẩm có tính thấu khí và không thấu ẩm, tránh bụi trong không khí nên có thể kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, nếu sử dụng màng bọc thực phẩm không đúng cách sẽ gây độc hại cho sức khỏe.
Theo các chuyên gia công nghệ thực phẩm, dùng màng bọc hoa quả nhiều vitamin C dễ làm hao hụt lượng vitamin có trong hoa quả; bọc trực tiếp đồ ăn chín, đồ ăn nóng hay những thực phẩm nhiều dầu mỡ dễ khiến những thành phần hóa học từ màng bọc thẩm thấu vào thức ăn, tạo ra các phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe.
Nhiều người có thói quen sử dụng màng bọc thực phẩm khi quay nóng thức ăn trong lò vi sóng mà không biết các chất hóa học như Phthalates và DEHA có trong màng bọc thực phẩm, khi gặp nhiệt độ cao sẽ tan chảy và biến thành chất gây ung thư.
Trên thị trường hiện có hai loại màng bọc là PE và PVC. Người tiêu dùng nên chọn màng bọc PE cho thức ăn đã chế biến. Đây là loại màng bọc ít chất phụ gia gây hại, thường có màu trắng, bóc dễ dàng, khi sờ dính tay. Còn màng PVC dùng bọc đồ ăn sống, chưa qua chế biến.
Đừng nghĩ màng bọc thức ăn đơn giản chỉ như thay túi ni lông, mà nó có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm cũng như sức khỏe. Vì vậy, khi sử dụng màng bọc thực phẩm cần lưu ý chọn những thương hiệu có uy tín, bảo đảm chất lượng, không nên ham rẻ, không dùng những màng bọc đã bị mốc, rúm và để quá lâu.
Thịt để ở ngăn đông bị cháy lạnh, có ăn được không?
Một phần thực phẩm, đặc biệt là thịt, khi để trong tủ lạnh lâu ngày có thể chuyển sang màu xám hoặc bị thâm. Hiện tượng này gọi là cháy lạnh. Không ít người thắc mắc là liệu ăn thịt cháy lạnh có ảnh hưởng sức khỏe hay không.
Thịt bảo quản trong tủ lạnh quá lâu có thể bị cháy lạnh – ẢNH: SHUTTERSTOCK
Cháy lạnh là hiện tượng xảy ra khi thực phẩm bị khô. Vì cho vào ngăn đông tủ lạnh, hơi ẩm từ trong thực phẩm sẽ thoát ra ngoài, ngưng tụ lại thành các tinh thể băng, theo Reader’s Digest.
Những tinh thể băng này rất dễ phát hiện. Chúng thường xuất hiện trên bề mặt thịt hay thức ăn thừa đông lạnh mà mọi người hay trữ trong ngăn đông. Khi bị mất độ ẩm, thịt sẽ bị khô, xốp và chuyển sang màu thâm xám.
Thịt bị cháy lạnh thường do 2 nguyên nhân, hoặc là do bảo quản không đúng cách, hoặc là đã để trong ngăn đông quá lâu. Cháy lạnh mặc dù có màu sắc như thể thịt bị hỏng nhưng chúng hoàn toàn có thể ăn được. Do đó, chúng ta cũng không cần phải lo lắng mà bỏ toàn bộ số thịt bị cháy lạnh, theo Reader’s Digest.
Tuy nhiên, cháy lạnh là do thực phẩm bị mất nước nên kết cấu và màu sắc của chúng đã thay đổi, khiến hương vị không còn thơm ngon nữa.
Để ngăn ngừa thịt bị cháy lạnh, nguyên tắc đầu tiên là phải bảo quản đúng cách. Không nên để thịt trực tiếp tiếp xúc với khí lạnh trong ngăn đông mà hãy để thịt trong hộp nhựa, thủy tinh hoặc gói kỹ bằng màng bọc thực phẩm.
Ngoài ra, để bảo quản thực phẩm tốt hơn, nhiệt độ ngăn đông tủ lạnh không được quá lạnh. Thực phẩm trong ngăn đông cũng không được quá nhiều vì như vậy hơi lạnh sẽ không đủ để bảo quản tốt và thiếu khoảng trống để không khí lưu thông. Nhiệt độ lý tưởng trong ngăn đông là 0 độ C.
Với thức ăn thừa, trước khi để vào ngăn đông, mọi người cần đảm bảo là thức ăn đã nguội hoàn toàn. Vì khi còn ấm, thực phẩm sẽ bay hơi. Hơi nước này sẽ ngưng tụ thành tinh thể băng trên bề mặt, dễ gây cháy lạnh, theo Reader’s Digest.