Có 8 học sinh Trường Mẫu giáo Tân Hưng Đông ( huyện Cái Nước, Cà Mau) được nghỉ học 10 ngày vì bị bệnh tay chân miệng.
Ảnh minh họa.
Ngày 3/10, thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Cái Nước (Cà Mau), Trường Mẫu giáo Tân Hưng Đông vừa cho 8 trẻ mắc bệnh tay chân miệng nghỉ học.
Theo đó, ngày 1/10, Trường Mẫu giáo Tân Hưng Đông có báo cáo về tình hình dịch bệnh tay chân miệng xảy ra tại đơn vị. Cụ thể, số trẻ bị bệnh gồm 8 trẻ (lớp nhà trẻ 5, lớp mầm 1, lớp chồi 1, lớp lá 1).
Ngay khi tiếp nhận thông tin, Phòng GD&ĐT phối hợp với Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ xuống làm việc trực tiếp tại Trường Mẫu giáo Tân Hưng Đông.
Sau buổi làm việc, Phòng đã yêu cầu nhà trường thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ y tế (cho 8 trẻ bệnh nghỉ học 10 ngày; vệ sinh, khử khuẩn…).
Bệnh tay chân miệng gia tăng ở Đắk Lắk
Ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang triển triển khai cấp bách các biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng.
Từ đầu năm đến nay, Đắk Lắk đã ghi nhận gần 700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, trong vòng 1 tháng trở lại đây, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh so với trước. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đang triển triển khai cấp bách các biện pháp để ngăn ngừa dịch lây lan trong cộng đồng.
Bác sĩ Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang thăm khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.
Đang chăm con trai 24 tháng t.uổi bị bệnh chân tay miệng tại Khoa nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Trần Thị Quyên ở Phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 25/9 khi đón con ở trường về thì chị phát hiện con có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao và ở lòng bàn tay có nổi các bọng nước, chị Quyên đã đưa con đi khám và bác sỹ kết luận cháu bị tay chân miệng. Sau 2 ngày điều trị tại nhà không khỏi chị đã đưa cháu vào bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Đến nay, sức khỏe của cháu đã ổn định.
Chị Trần Thị Quyên nói: “Ngày đầu thì sốt cao lắm, tới ngày thứ 2 thì đỡ, hết sốt, nó không nổi mụn nữa mà xẹp xuống và khô lại, giờ đang bong chóc. Em hỏi ở trường ngay lúc đó thì không có bé nào bị hết bé này là bé đầu tiên, trong khoảng thời gian đó thì cũng có một bạn bị cùng lúc với bạn này, còn sau này thì chưa thấy bạn nào mắc.”
Bác sĩ Trần Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ đầu năm đến nay Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 130 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Đáng chú ý, số bệnh nhân nhập viện trong tháng 9 chiếm một nửa tổng số ca bệnh.
Theo Bác sĩ Minh, đa phần các cháu vào viện trong tình trạng sốt cao, co giật, run tay chân, tuy nhiên, chưa có trường hợp nào biến chứng nặng cần cấp cứu chuyên sâu.
Cũng theo bác sĩ Minh, dù chưa có bệnh nhân biến chứng nặng, song các bậc phụ huynh không được lơ là, chủ quan, mà cần theo dõi, quan sát những biểu hiện của trẻ khi thấy có dấu hiệu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời: “Bệnh tay chân miệng được phân làm 4 độ, độ 1, độ 2, độ 3, độ 4 tùy theo mức độ nặng. Thì đa phần các bệnh nhân mắc vào độ 1 với các triệu chứng như là bệnh nhân có sốt nhẹ, có nổi mụn nước ở lòng bàn tay, ở khuỷu, ở mông hoặc là ở đầu gối. Khi có dấu hiệu chuyển đổi sang độ 2A thì có các triệu chứng thêm đó là những triệu chứng như giật mình, sốt cao trên 6 tiếng khó hạ, nôn ói. Đối với những bệnh nhân tay chân miệng từ độ 2A trở đi thì phải nhập viện theo dõi và điều trị thì tùy theo biến chứng là vào thần kinh, tim mạch, vào hô hấp thì cách điều trị khác nhau.”
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 700 ca mắc tay chân miệng, với 5 ổ dịch, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm ngoái. Buôn Ma Thuột là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất với hơn 200 ca, những ca bệnh còn lại tập trung ở 4 huyện là Cư M’gar, Buôn Đôn, Krông Búk và Krông Pách.
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong thời gian qua bên cạnh thời tiết chuyển mùa tạo thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển thì đây cũng là thời điểm bước vào năm học mới, một số trường học lại chưa chú trọng công tác vệ sinh môi trường phòng dịch dẫn tới số ca mắc tăng cao. Trước tình hình đó, để ngăn chặn số ca mắc gia tăng, ngành y tế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế các địa phương chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh đến với người dân; phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, phối hợp với ngành giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra phòng chống dịch bệnh tại các trường học.
“Hiện nay Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tiến hành kiểm tra đ.ánh giá việc thực hiện hợp tác xử lý phòng dịch bệnh tay chân miệng tại một số trường học và một số trạm y tế xã, phường thị trấn trên địa bàn của tỉnh. Thời điểm này chúng tôi kiểm tra được 7 huyện. Qua ghi nhận thì đa số các xã, trường học cũng triển khai tốt, đâu đó vẫn còn 1 số trường học việc triển khai chưa được đồng bộ, chưa tốt, chúng tôi đã có nhắc nhở.”- Bác sĩ Phúc nói.
Để phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ, theo các bác sỹ biện pháp tốt nhất vẫn là thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; rửa tay bằng xà phòng, thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng mà trẻ tiếp xúc hằng ngày. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám ở các trung tâm y tế gần nhất./.